Để có thể cạnh tranh trong nền kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp cần có suy nghĩ toàn cầu. Để bán hàng quốc tế, quan trọng nhất là chọn phương thức thanh toán phù hợp và có điều khoản có lợi cho cả người mua (Importers) và người bán (Exporters). Các bên tham gia đều muốn lợi ích thuộc về mình. Importers muốn nhận hàng trước khi thanh toán, Exporters muốn được thanh toán trước khi giao hàng. Đây là lý do vì sao chọn phương thức thanh toán đáng tin cậy lại vô cùng cần thiết.
Nội dung bài viết
1. Phương thức ghi sổ (Open Account)
Sau khi cung cấp hàng và dịch vụ cho Importers, Exporters sẽ tiến hành mở tài khoản ghi nợ. Đồng thời, quyết định thời hạn định kỳ thanh toán lệ phí phát sinh bằng tiền hoặc bằng séc.
Quy trình thực hiện:
- Exporters gửi hàng/dịch vụ và chứng từ cho Importers
- Exporters ghi nợ và báo nợ trực tiếp cho Importers
- Định kỳ thanh toán (tháng, quý hoặc nửa năm). Importers thanh toán qua ngân hàng cho Exporters.
Đối với phương thức thanh toán này, Exporters hầu như chịu toàn bộ rủi ro. Vì Importers có nhiều lí do để không nhận hàng và thanh toán, mà không có sự ràng buộc nào. Do vậy, chỉ nên sử dụng phương thức này khi:
- Hai bên phải có sự tin cậy lẫn nhau
- Exporters gửi hàng cho Importers/đại lý phân phối ở nước ngoài bán
- Dùng chủ yếu trong mua bán hàng đổi hàng hay cho một loạt các chuyến hàng thường xuyên, định kì trong thời gian nhất định
Hiện nay, xấp xỉ 60% kim ngạch buôn bán giữa nước Anh và các nước EU sử dụng phương thức thanh toán ghi sổ. Bởi giữa các nước này có sự tương đồng về văn hóa, tập quán kinh doanh, luật lệ,… Nên khách hàng có mối quan hệ kinh doanh truyền thống, thường xuyên và tin tưởng lẫn nhau.
2. Phương thức nhờ thu (Collection)
Nhờ thu là phương thức thanh toán sau khi người bán gửi hàng cho người mua. Đồng thời, người bán gửi chứng từ cho ngân hàng của mình để thu hộ tiền của ngân hàng người mua. Phương thức này, vai trò của ngân hàng thể hiện rất rõ ràng, đảm bảo an toàn cho 2 bên xuất – nhập khẩu. Chứng từ nhờ thu trong quy định là những chứng từ tài chính và / hoặc chứng từ thương mại.
- Chứng từ tài chính: hối phiếu, kỳ phiếu, séc hoặc những chứng từ liên quan đến mục đích chi trả.
- Chứng từ thương mại: Hóa đơn, vận tải đơn, các chứng từ về quyền sở hữu hoặc các chứng từ tương tự hoặc bất cứ chứng từ nào không phải là chứng từ tài chính.
Căn cứ vào chứng từ gửi nhờ thu, phương thức nhờ thu gồm hai loại: Nhờ thu trơn và Nhờ thu kèm chứng từ
Quy trình thực hiện:
2.1 Phương thức nhờ thu trơn
- Exporter gửi hàng/dịch vụ và chứng từ cho Importer
- Ký phát hối phiếu và gửi yêu cầu nhờ thu tới ngân hàng bên xuất. Nhờ ngân hàng bên xuất thu tiền từ ngân hàng bên nhập
- Ngân hàng bên xuất chuyển hối phiếu và thư nhờ thu tới Ngân hàng bên nhập
- Ngân hàng bên nhập chuyển hối phiếu cho Importer và đề nghị thanh toán
- Importer thanh toán hối phiếu hoặc từ chối thanh toán
- Ngân hàng bên nhập chuyển tiền hoặc hoàn lại hối phiếu bị từ chối trả tiền cho ngân hàng bên xuất
- Ngân hàng bên xuất chuyển tiền hoặc hoàn lại toàn bộ hối phiếu bị từ chối trả tiền cho Exporter
2.2 Phương thức nhờ thu kèm chứng từ
- Exporter gửi hàng/dịch vụ cho Importer
- Đồng thời lập chứng từ thương mại có hoặc không có hối phiếu kèm theo chỉ thị nhờ thu. Rồi gửi đến ngân hàng bên xuất nhờ thu hộ tiền của bên nhập.
- Ngân hàng bên nhập xuất trình chứng từ và hối phiếu, đòi tiền Importer
- Importer chấp nhận hoặc từ chối thanh toán. Nếu Importer chấp nhận thanh toán, sẽ nhận được chứng từ để lấy hàng
- Ngân hàng bên nhập chuyển tiền hoặc hoàn lại hối phiếu bị từ chối trả tiền cho ngân hàng bên xuất
- Ngân hàng bên xuất chuyển tiền hoặc hoàn lại toàn bộ hối phiếu bị từ chối trả tiền cho Exporter
3. Phương thức giao chứng từ trả tiền (Cash against Documents – CAD)
Đây là hình thức thanh toán trong đó Importer thanh toán chi phí dựa trên chứng từ hàng hóa. Sau khi Exporter đã vận chuyển hàng theo hợp đồng đã ký kết, các chứng từ sẽ được chuyển cho Importer thông qua ngân hàng để có thể thanh toán hóa đơn kiện hàng. Vì vậy, phương thức này rất an toàn với việc nhận hàng. Tuy nhiên, nếu Importer không nhận hàng và không thanh toán do không nhận được bộ chứng từ. Thì khi ấy, Exporter sẽ phải chịu thêm chi phí trả lại hàng.
Quy trình thực hiện:
- Hợp đồng mua bán được thực hiện giữa Importer và Exporter
- Hàng hóa được xếp lên tàu để gửi đến nước nhập khẩu
- Trong quá trình này, các chứng từ liên quan đến hàng hóa sẽ được chuyển đến ngân hàng bên xuất nhằm gửi cho ngân hàng bên nhập.
- Sau đó, ngân hàng bên nhập sẽ gửi chứng từ cho Importer. Đồng thời, Importer phải thanh toán cho ngân hàng
- Sau khi kiểm tra, nếu hợp lệ và Importer có đủ khả năng thanh toán, ngân hàng sẽ trích tài khoản của họ để chuyển tiền. Giấy báo nợ và giấy báo đã thanh toán sẽ được gửi cho Exporter
- Ngân hàng chuyển tiền ra lệnh (bằng thư hay điện báo) cho ngân hàng đại lý của mình ở nước ngoài để chuyển tiền trả cho Exporter
4. Phương thức thư tín dụng (Letter of Credit – L/C)
L/C là văn bản do ngân hàng bên nhập phát hành. Theo đó, Importer cam kết thanh toán cho Exporter với điều kiện Exporter xuất trình bộ chứng từ hợp lệ. L/C được lập trên cơ sở các điều khoản trong hợp đồng nhưng hoàn toàn độc lập với hợp đồng.
Thanh toán thông qua thư tín dụng là phương thức được sử dụng khá phổ biến. Ở mức độ nhất định, L/C là phương thức thanh toán cân bằng được lợi ích của cả hai bên xuất-nhập và giải quyết được mâu thuẫn không tín nhiệm nhau của hai bên.
2 phương thức: “Thư tín dụng (Letter of Credit-L/C)” và “Thanh toán tín dụng chứng từ (Documentary credit-D/C)” đều có nghĩa tương tự nhau. “L/C” thường được sử dụng phổ biến ở Mỹ và châu Á. Trong khi đó, “D/C” được dùng rộng rãi hơn ở châu Âu.
Quy trình thực hiện:
- Một hợp đồng được thực hiện giữa Importer và Exporter. Hợp đồng gồm các chi tiết (như loại, giá cả, phương thức vận chuyển, đơn vị tiền tệ) được sử dụng trong việc mua bán hàng hóa. Ngoài ra, phương thức thanh toán là thư tín dụng được quyết định trong hợp đồng mua bán hoặc lập một hợp đồng thư tín dụng riêng biệt.
- Importer dựa vào hợp đồng, mở L/C tại ngân hàng của mình và báo cho ngân hàng bên xuất
- Ngân hàng bên xuất thông báo tới Exporter về thư tín dụng. Nếu người bán xác nhận, quá trình xuất khẩu bắt đầu
- Sau khi hàng tới cảng, giấy tờ liên quan đến hàng (như hóa đơn, vận đơn, giấy chứng nhận xuất xứ,…) sẽ được Exporter giao cho ngân hàng của mình. Người bán sẽ nhận tiền hàng từ ngân hàng để đổi lại các giấy tờ mà họ đã giao.
- Ngân hàng bên xuất gửi các giấy tờ nói trên đến ngân hàng bên nhập. Ngân hàng bên nhập sẽ thanh toán cho ngân hàng bên xuất sau khi kiểm tra tính chính xác của các chứng từ
- Sau đó, ngân hàng bên nhập sẽ yêu cầu Importer thanh toán tiền hàng
- Ngay khi nhận được tiền hàng, ngân hàng bên nhập sẽ giao toàn bộ giấy tờ cho Importer
- Lúc này, Importer chỉ cần xuất trình giấy tờ để nhận hàng
5. Phương thức chuyển tiền (Remittance)
Đây là phương pháp mà khách hàng (người trả tiền, người mua, Importer…) yêu cầu ngân hàng của mình thông qua một ngân hàng đại lý ở nước ngoài chuyển trả một số tiền nhất định cho người hưởng lợi (người bán, Exporter, người cung cấp dịch vụ…)
Các phương pháp chuyển tiền:
Chuyển tiền bằng điện -Telegraphic Transfer Remittance (T/T):ngân hàng ra lệnh bằng điện cho ngân hàng đại lý của mình ở nước ngoài trả tiền cho người hưởng lợi.
Chuyển tiền bằng thư – Mail transfer Remittance (M/T): ngân hàng gửi thư lệnh cho ngân hàng đại lý ở nước ngoài trả tiền cho người hưởng lợi.
Quy trình thực hiện:
- Sau khi hợp đồng được ký, Exporter gửi hàng hoá, dịch vụ và chuyển giao chứng từ cho Importer.
- Đến thời hạn quy định, Importer viết lệnh chuyển tiền gửi đến ngân hàng phục vụ mình.
- Sau khi kiểm tra, nếu hợp lệ và Importer có đủ khả năng thanh toán, ngân hàng sẽ trích tài khoản của người mua để chuyển tiền, gửi giấy báo nợ và giấy báo đã thanh toán cho họ.
- Ngân hàng chuyển tiền ra lệnh (bằng thư hay điện báo) cho ngân hàng đại lý của mình ở nước ngoài để chuyển tiền trả cho Exporter.
- Ngân hàng đại lý chuyển tiền cho Exporter (trực tiếp hoặc gián tiếp qua ngân hàng khác) và gửi giấy báo cho đơn vị đó
Tổng kết
Biết được các ảnh hưởng đến hoạt động ngoại thương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định phương thức thanh toán phù hợp. Trong ngoại thương, sự tin cậy lẫn nhau có ý nghĩa quan trọng với cả hai bên nhằm thiết lập mối quan hệ thương mại hiệu quả, lâu dài.
Song, trong phương thức thư tín dụng, ngân hàng có vai trò bảo đảm cho các bên. Vì lý do này, phương thức thư tín dụng ngày càng trở nên phổ biến trong hoạt động ngoại thương. Bởi với phương thức này, người ta có thể ngăn ngừa những tổn thất do rủi ro gây ra thông qua ngân hàng. Các ngân hàng cũng đạt được lợi ích bằng cách nhận hoa hồng để đổi lại rủi ro họ phải chịu. Do đó, các phương thức thanh toán được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay là giao chứng từ trả tiền và thư tín dụng.
Qua bài viết trên, mong rằng bạn đọc sẽ hiểu thêm về các phương thức Thanh toán Quốc tế trong Xuất Nhập Khẩu! Ngoài ra, còn các phương thức thanh toán khác, có thể tham khảo tại đây Methods of Payment
Ủng hộ mình ở các bài viết này nhé: Một số loại vận đơn thường gặp Chiến lược quản lí Logistics Ngược
Discussion about this post