Trong thời đại hiện nay, các công cụ chuyển đổi số luôn đóng vai trò rất quan trọng trong mọi lĩnh vực. Và Logistics và quản lý chuỗi cung ứng cũng không thể nằm ngoài cuộc đua với sự xuất hiện của Big Data. Vậy hãy cùng nhà Lốc chúng mình tìm hiểu xem liệu Big Data đã và đang làm gì để đưa các lĩnh vực về Logistics và chuỗi cung ứng dẫn đầu trên hành trình chuyển đổi số.
Nội dung bài viết
1. Big Data là gì?
a. Khái niệm về Big Data:
Big Data là các tập dữ liệu khổng lồ và phức tạp được con người, máy móc tạo ra. Chúng lớn đến mức các phần mềm xử lý dữ liệu truyền thống không thể thao tác trong một khoảng thời gian hợp lý.
Quy mô của tệp dữ liệu ấy đang mở rộng ngày càng nhanh hơn. Lí do là vì số lượng các thiết bị IoT hiện đại dùng để thu thập chúng đang rất phổ biến. Điển hình như: thiết bị di động, thiết bị thu hình, thu âm, đầu đọc RFID, mạng cảm biến không dây,… Ngoài ra, nguồn thông tin cũng đến từ việc những công ty lưu trữ, tiếp nhận nhật ký dữ liệu. Việc đó được thực hiện thông qua các phần mềm nội bộ như: ERP, CRM, phần mềm tài chính,…
b. Big Data trong thực tiễn:
Ngày nay, người ta vẫn thường hay tranh luận về câu hỏi “Có phải Big Data chỉ là một nguồn thông tin khổng lồ được thu thập hay thậm chí nó còn bao gồm nhiều phần tử có khả năng xử lý, phân loại các tệp dữ liệu khác nhau?”. Câu trả lời phụ thuộc vào cách con người muốn định hình Big Data phát triển theo hướng như thế nào.
Trên thực tế, các doanh nghiệp lớn đều sở hữu Big Data của riêng mình. Cụ thể có thể kể đến ông lớn trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến – Amazon. Tính đến 2005, Amazon đã từng sở hữu 3 cơ sở dữ liệu Linux lớn nhất thế giới. Trong đó, chúng có dung lượng lần lượt là 7,8TB, 18,5TB và 24,7TB. Theo nghiên cứu của IDC, Amazon đã thu về được tổng doanh thu lên đến 74 tỉ USD. Thành công ấy phần lớn đến từ việc ứng dụng Big Data vào hoạt động thương mại của mình.
2. Sự xuất hiện của Big Data trong chuỗi cung ứng
Dựa trên những tổng hợp của SAS, chúng ta có thể biết được những thông tin về các chuỗi cung ứng hàng đầu thế giới:
- Vào Black Friday năm 2012, Walmart phải xử lý hơn 10.000.000 giao dịch tiền mặt trong 4 giờ liên tục. Đồng nghĩa với khoảng 5.000 giao dịch mỗi giây. Để đáp ứng được nhu cầu đó, các hệ thống RFID của Walmart cần phải tạo ra lượng thông tin lớn hơn 1.000 lần so với mã vạch truyền thống.
- Mỗi ngày, dịch vụ vận chuyển UPS ghi nhận khoảng 39.500.000 yêu cầu đến từ khách hàng của mình.
- Gã khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử – eBay phải sở hữu riêng cho mình 2 trung tâm dữ liệu cực lớn với dung lượng lên đến 40PB chỉ dùng để lưu trữ những truy vấn, đề xuất cho khách hàng cũng như thông tin về hàng hóa của mình.
Suốt quá trình đó, những phần tử nhỏ nhất đã góp phần tạo nên lượng dữ liệu cực kỳ lớn. Những thông tin về các tuyến đi, trung tâm vận chuyển, phương thức vận chuyển,… của mỗi doanh nghiệp trong lĩnh vực này đều được ghi nhận và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu riêng.
3. Tác động chính của Big Data trong Logistics và quản lý chuỗi cung ứng:
a. Quản lý doanh nghiệp:
Dựa vào cơ sở dữ liệu đã được hình thành rất lâu đời, Big Data có thể truy xuất, đánh giá và phân tích được các thông tin mà những công ty vận tải, hãng tàu cần, cụ thể như: thông tin chuyến đi, phương thức vận chuyển, thời gian giao hàng,… Mục đích cuối cùng của những quy trình này đều là để tối ưu hóa lợi nhuận thu về của công ty 1 cách triệt để nhất.
Một chuỗi cung ứng luôn tồn tại những sai sót, sự cố bất ngờ. Do đó, Big Data cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tính toán và dự đoán những điều đó. Đồng thời, phát huy thế mạnh của hồ sơ dữ liệu để phát hiện trước những gián đoạn tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng. Qua đó cũng giảm thiểu rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
b. Quản trị rủi ro:
Cụ thể hơn, ta có thể tìm hiểu về trường hợp của DHL với việc ra mắt “Resilence 360”. Đây được xem là một dẫn chứng hoàn hảo cho việc ứng dụng Big Data vào quy trình quản trị rủi ro trong logistics và chuỗi cung ứng. Nhờ vào “Resilence 360”, DHL có thể giúp khách hàng của họ yên tâm hơn. Đồng thời, họ có thể nhận biết rõ những sai sót có thể xảy ra trong đơn hàng của mình. Qua đó cũng giúp chính DHL phát hiện được những lỗ hỏng trong hoạt động kinh doanh của họ.
Khả năng dự báo của Big Data không chỉ ứng dụng trong quản trị rủi ro. Mà chúng còn có thể giúp các doanh nghiệp dự báo nhu cầu của khách hàng chính xác hơn. Từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra những kế hoạch, tính toán cụ thể để tăng trưởng nhanh chóng. Cụ thể hơn là về chu kỳ mua của khách hàng. Hay thậm chí là về số lượng hàng hóa cần sản xuất trong khoảng thời gian nhất định.
c. Nguồn tài nguyên quý giá:
Với hệ thống cơ sở dữ liệu khổng lồ, Big Data chứa đựng hầu như mọi thông tin trong đời sống xã hội. Và đây cũng chính là nguồn tài nguyên thiết yếu mà mọi doanh nghiệp đều tìm kiếm.
Dẫn chứng điển hình nhất chính là sự thành công của Amazon. Nhờ sự nhạy bén của mình, Amazon đã sớm nhận ra và khai thác tiềm năng của Big Data. Theo ước tính, Amazon đang tận dụng triệt để Big Data để khai thác được dữ liệu đến từ 152.000.000 khách hàng. Qua đó, hướng đến mục tiêu hiểu rõ thói quen mua sắm của những tệp khách hàng khác nhau. Từ đó, triển khai kế hoạch giới thiệu đến họ những dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu cá nhân.
Discussion about this post