Nội dung bài viết
I. Green Logistics là gì?
– Green Logistics hay Logistics xanh là một thuật ngữ nói đến các hoạt động được thực hiện trong ngành Logistics để giảm thiểu các tác động sinh thái của ngành nghề này tới môi trường. Các hoạt động chính của Green Logistics là việc tính toán và áp dụng các thiết bị hiện đại để giảm thiểu khí CO2, giảm thiểu chất thải, giảm thiểu tiếng ồn,…. Logistics xanh với mục đích chung là giảm những tác động làm nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường cao.
– Green Logistics được diễn ra hầu hết ở tất cả các quy trình của hoạt động Logistics. Tức là Green Logistics sẽ bao gồm các hoạt động được thực hiện ở trước và sau sản xuất, giữa điểm bắt đầu và kết thúc của chuỗi cung ứng. Một cách tổng quát sẽ là từ thời điểm bắt đầu cho tới khi kết thúc một quy trình Logistics.
– Để Green Logistics có thể được triển khai một cách tối ưu nhất thì sẽ cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất. Bên cạnh đó, để Green Logistics phát triển đồng bộ cũng cần sự đồng lòng của cộng đồng, của doanh nghiệp và của cả chính phủ của mỗi quốc gia.
II. Lợi ích của Green Logistics
1. Giúp giảm thiểu khí thải CO2
Tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng tăng, đặc biệt là môi trường khí. Trong đó, khí thải CO2 tăng cao là tác nhân chính gây ra. Triển khai Green Logistics là góp phần giảm tác động đến môi trường và giảm tiêu thụ nguyên vật liệu. Thêm vào đó, Logistics xanh còn tăng cường tuân thủ luật môi trường, điều chỉnh lại tài nguyên thiên nhiên để sản xuất các loại hàng hóa và cung ứng dịch vụ.
2. Tiết kiệm chi phí
Green Logistics giúp các doanh nghiệp giảm đi một lượng chi phí nhất định, điển hình đó là chi phí vận chuyển, lưu trữ và chuyển nhượng sản phẩm. Ngoài ra, Logistics xanh còn làm giảm thiểu chi phí sản xuất và tiết kiệm năng lượng từ môi trường.
3. Tối ưu hóa chuỗi cung ứng
Green Logistics giúp tối ưu hóa các chuỗi cung ứng ở nhiều giai đoạn. Điều này được hiểu bằng việc xây dựng các trung tâm để xử lý các sản phẩm cần thu hồi từ người tiêu dùng, các nhà bán lẻ, nhà phân phối để tái chế các sản phẩm cũ và phục hồi được những giá trị cần thiết. Giảm thiểu được năng lượng tiêu thụ trong quá trình vận chuyển, tái sử dụng, tái chế lại các vật liệu đóng gói bền vững.
III. Thực trạng Logistics xanh tại Việt Nam
– Chi phí vận tải chiếm khoảng 50% – 60% trong tổng chi phí Logistics của Việt Nam. Những giải pháp khắc phục để có thể mang lại hiệu quả kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa mang tính tối ưu. Đây là một vấn đề lớn mà Logistics Việt Nam đang gặp phải trong công cuộc xây dựng Green Logistics.
– Hiện nay, hầu hết hàng hóa đều được vận chuyển bằng đường bộ. Vì thế, việc triển khai Green Logistics sẽ tập trung vào việc phủ xanh vận tải đường bộ. Điều này đã giảm thiểu được phần nào về sự dư thừa trong các hoạt động của chuỗi cung ứng.
– Hoạt động Logistics của Việt Nam đang có sự phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm. Điều này đã dẫn đến số lượng các phương tiện vận chuyển hàng hoá gia tăng nhiều hơn. Đặc biệt, đây là nguyên nhân chính dẫn đến lượng khí thải ngày càng tăng
– Cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, chưa hoàn thiện khiến cho quá trình vận chuyển tăng thêm. Điều đó, cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc lượng khí thải tăng thêm. Cần có sự phối hợp một cách chặt chẽ hơn nữa giữa các ban ngành, đoàn thể để xây dựng các cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của ngành Logistics.
– Các doanh nghiệp Logistics tại Việt Nam chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy mà việc xây dựng Green Logistics vẫn còn mới mẻ và còn nhiều khó khăn trong nhận thức. Do đó, việc triển khai Logistics xanh cần xây dựng một cách có quy trình trong thời gian dài.
IV. Ứng dụng Green Logistics như thế nào?
Logistics xanh có thể được ứng dụng trong các công ty qua các quy trình mua hàng, quy trình sản xuất, quản lý kho, quản lý vận tải và EMS. Quy trình ứng dụng Logistics xanh
1. Quy trình mua hàng:
Hoạt động này bao gồm việc cải tiến các cơ sở thương mại bằng cách áp dụng công nghệ thông tin trong giao thương với doanh nghiệp (B2B).Ngoài ra, sử dụng thương mại điện tử hoặc internet cũng là phương pháp hợp lí.
2. Quy trình sản xuất:
Các công ty cần đào tạo nhân viên các kiến thức về việc giảm sử dụng năng lượng. Chất lượng sản xuất phải được giữ nguyên. Lượng chất thải sản xuất nên được giảm trong quá trình sản xuất hàng hóa. Nước nên được sử dụng một cách hợp lí và khí độc hại phải được giảm tối đa.
3. Quy trình quản lý kho:
Nội dung này bao gồm các hoạt động như chuyển sản phẩm vào kho, đóng gói tái chế, vận chuyển hàng hóa trong kho. Các công ty sử dụng xe nâng cùng với giảm xử lý kép để tối ưu năng lượng, nhiên liệu.
4. Quá trình vận chuyển:
Quá trình phân phối bao gồm nhiều phương thức vận chuyển đường bộ, qua đường sắt, bằng đường hàng không hoặc qua các phương tiện giao thông đường thủy. Quá trình vận chuyển cần được tối ưu thời gian để tránh thêm lượng khí thải ra môi trường.
Hy vọng với những chia sẻ về Green Logistics ở trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng trong chuỗi cung ứng. Xin cảm ơn bạn đọc đã đồng hành cùng Câu lạc bộ UTLogs trong bài viết này. Hẹn gặp lại bạn đọc vào các bài viết tiếp theo.
Discussion about this post