Vận chuyển hàng hóa là hoạt động xương sống của nền kinh tế toàn cầu và cũng là phương thức vô cùng phức tạp. Trong quá trình giao dịch, có nhiều bên tham gia và chúng ta chắc chắn tự hỏi rằng: Làm thế nào đạt hiểu quả khi chuyển giao từ đối tác này sang đối tác khác? Và làm thế nào để đảm bảo chất lượng hàng hóa trong suốt chuyến đi? Giải pháp cho vấn đề trên chính là “Vận đơn”. Một loại chứng từ được phát hành bởi hàng trăm người mỗi ngày. Vậy bạn có thắc mắc về các vận đơn thường gặp và vì sao vai trò của chúng lại hữu ích không?
Trước tiên chúng ta cần nắm được khái niệm của nó. Xin mời bạn đọc bài viết đính kèm sau đây Vận đơn đường biển (Bill of Lading) là gì?
Có nhiều cơ sở để phân loại vận đơn. Ví dụ như đặc điểm của hành trình (đi thẳng hay có chuyển tải dọc đường…), vị trí của hàng hóa (đã ở trên tàu hay chưa), ghi chú, nhận xét trên vận đơn, khả năng chuyển nhượng của vận đơn…
Nội dung bài viết
Căn cứ vào phương thức vận tải
Vận đơn vận tải đa phương thức (vận tải liên hợp)
Đây là vận đơn được sử dụng khi hàng hóa được vận chuyển từ nơi đi đến nơi đến bằng hai hay nhiều loại phương tiện vận tải khác nhau. Loại này có nhiều tên gọi: Vận đơn vận tải đa phương thức (Multimodal Transport Bill of Lading) hay Vận đơn vận tải liên hợp (Combined Transport Bill of Lading),… Tuy chủ yếu dùng cho VTĐPT nhưng loại này cũng có thể dùng vận chuyển đơn phương thức, như vận tải đường biển (từ cảng biển đến cảng biển), vận tải đường bộ…
Đặc điểm của Vận đơn VTĐPT:
- Trên vận đơn thường ghi rõ nơi nhận hàng để chở và nơi giao hàng. Người cấp vận đơn này phải là người vận chuyển hoặc người kinh doanh VTĐPT;
- Ghi rõ việc được phép chuyển tải, các phương thức vận tải tham gia và nơi chuyển tải;
- Người cấp vận đơn này chịu trách nhiệm về hàng hóa từ nơi nhận hàng để chở đến nơi giao hàng.
Vận đơn VTĐPT là một chứng từ VTĐPT. Quy định ở khoản 4, Điều 119, Bộ luật Hàng hải Việt Nam: “Chứng từ vận tải đa phương thức là bằng chứng của hợp đồng vận tải đa phương thức, xác nhận việc người kinh doanh vận tải đa phương thức nhận hàng để vận chuyển và cam kết trả hàng theo đúng thỏa thuận của hợp đồng”.
Vận đơn vận tải đơn phương thức đường biển (từ cảng tới cảng)
Là vận đơn phổ biến nhất, chiếm đại đa số khối lượng hàng hóa vận chuyển. Cũng là vận đơn dùng để
chở hàng bằng đường biển từ cảng biển đến cảng biển (port to port B/L).
Nội dung của vận đơn:
- tên và trụ sở chính của người vận chuyển;
- tên người gửi hàng;
- tên người nhận hàng hoặc ghi rõ vận đơn được ký phát dưới dạng vận đơn theo lệnh hoặc vận đơn vô danh;
- tên tàu biển;
- mô tả về chủng loại, kích thước, thể tích, số lượng đơn vị, trọng lượng hoặc giá trị hàng hóa, nếu xét thấy cần thiết; mô tả tình trạng bên ngoài hoặc bao bì hàng hóa;
- ký, mã hiệu và đặc điểm nhận biết hàng hóa mà người giao hàng đã thông báo bằng văn bản trước khi bốc hàng lên tàu biển và được đánh dấu trên từng đơn vị hàng hóa hoặc bao bì;
- cước vận chuyển và các khoản thu khác của người vận chuyển; phương thức thanh toán; nơi bốc hàng và cảng nhận hàng;
- cảng trả hàng hoặc chỉ dẫn thời gian, địa điểm sẽ chỉ định cảng trả hàng;
- số bản vận đơn gốc đã ký phát cho người giao hàng;
- thời điểm và địa điểm ký phát vận đơn;
- chữ ký của người vận chuyển hoặc thuyền trưởng hoặc đại diện khác có thẩm quyền của người vận chuyển
Ghi chú trong vận đơn
Trong vận đơn, về phần ghi chú, người vận chuyển có quyền:
- ghi các nhận xét của mình nếu có nghi vấn về tình trạng bên ngoài hoặc bao bì hàng hóa;
- từ chối ghi trong vận đơn sự mô tả về hàng hóa, nếu có đủ căn cứ nghi ngờ tính chính xác về lời khai báo của người gửi hàng, người giao hàng ở thời điểm bốc hàng hoặc khi không có điều kiện xác minh;
- từ chối ghi trong vận đơn ký, mã hiệu hàng hóa, nếu chúng chưa được đánh dấu rõ ràng trên từng kiện hàng hoặc bao bì, bảo đảm dễ nhận thấy khi chuyến đi kết thúc.
Trường hợp hàng hóa được đóng gói trước khi giao cho người vận chuyển thì người vận chuyển có quyền ghi vào vận đơn là không biết rõ nội dung bên trong. Người vận chuyển không chịu trách nhiệm bồi thường mất mát, hư hỏng hàng hóa hoặc tổn thất liên quan đến hàng hóa trong mọi trường hợp, nếu người gửi hàng, người giao hàng đã cố tình khai gian về chủng loại, giá trị của hàng hóa khi bốc hàng và khai báo đó đã được ghi nhận vào vận đơn.
Căn cứ vào tính độc lập của vận đơn
Vận đơn theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến (Charter Party Bill of Lading)
Đây là vận đơn được ký phát khi hàng hóa được vận chuyển theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến. Trên đó có ghi câu: “to be used with Charter Parties” (sử dụng với hợp đồng vận chuyển theo chuyến).
Ví dụ, vận đơn “Congenbill” được ký phát để sử dụng cùng với hợp đồng vận chuyển theo chuyến mẫu “Gencon” có ghi câu: “All terms and conditions, liberties and exceptions of the Charter Party dated as overleaf, are herewith incorporated (tất cả điều kiện, điều khoản, đặc quyền, miễn trừ của hợp đồng vận chuyển theo chuyến có ngày tháng ghi ở trang bên là một phần của vận đơn này).
Vận đơn theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến do người vận chuyển/chủ tàu, thuyền trưởng hoặc đại diện của họ ký phát. Do có câu ghi chú như trên nên vận đơn này không còn tính độc lập, mà phụ thuộc vào hợp đồng vận chuyển theo chuyến. Nội dung của hợp đồng do các bên thỏa thuận.
Nếu người thuê vận chuyển đồng thời là người gửi hàng (shipper) ghi trên vận đơn thì vận đơn này chỉ là một biên lai nhận hàng. Nhưng khi vận đơn này được ký hậu để chuyển nhượng cho người thứ ba thì nó lại điều chỉnh mối quan hệ giữa người vận chuyển và người thứ ba đó (hoặc người cầm giữ vận đơn). Cho nên nó có thể phù hợp hoặc không phù hợp với nguồn luật điều chỉnh vận đơn. Vận đơn này chỉ được ngân hàng chấp nhận để thanh toán tiền hàng khi thư tín dụng cho phép.
Vận đơn không cấp theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến
Đây là loại vận đơn độc lập, không phụ thuộc vào hợp đồng vận chuyển theo chuyến. Có nội dung tương tự như vận đơn vận tải đơn phương thức bằng đường biển (đã nêu ở trên).
Căn cứ vào nơi nộp vận đơn
Vận đơn nộp tại cảng bốc hàng (Surrendered B/L)
Nguyên tắc chung luật hàng hải của nhiều nước, dù là vận đơn đích danh hay vận đơn theo lệnh, khi hàng đến cảng đích, người nhận hàng phải nộp bản gốc vận đơn thì mới nhận được hàng. Trên thực tế, nhiều trường hợp hàng đã đến cảng đích nhưng vận đơn lại chưa đến. Do đó không nhận được hàng bằng vận đơn. Để khắc phục tình trạng vận đơn đến chậm và để tiết kiệm chi phí gửi vận đơn gốc, trong những năm gần đây người ta dùng “Vận đơn đã nộp tại cảng bốc hàng”.
Đây là loại vận đơn thông thường. Chỉ khác khi ký phát, người vận chuyển hoặc đại lý tàu đóng thêm dấu “đã nộp vận đơn” (surrendered) và thu hồi nó. Đồng thời thông báo cho đại lý tàu tại cảng đích biết để đại lý trả hàng cho người nhận mà không cần thu hồi vận đơn gốc. Việc thông báo này thường thể hiện qua văn bản (điện báo, email, fax) gọi là “trả hàng ngay” (Express Release). Sau khi thu hồi vận đơn, nếu người giao hàng có yêu cầu, đại lý tàu sẽ cấp bản chụp vận đơn có chữ “surrendered”. Người giao hàng chỉ cần gửi bản sao vận đơn này đến người nhận hàng là họ có thể nhận được hàng.
Vận đơn nộp tại cảng trả hàng
Đây là loại vận đơn thông thường. Nó bao gồm cả vận đơn phụ thuộc vào hợp đồng vận chuyển theo chuyến. Có nội dung tương tự như vận đơn vận tải đơn phương thức bằng đường biển (đã nêu ở trên).
Một số loại vận đơn, chứng từ vận tải khác
Vận đơn bên thứ ba (Third Party B/L)
Đây là vận đơn mà người thụ hưởng (beneficiary) thư tín dụng không phải là người gửi hay người giao hàng (Shipper) mà là người khác. Vận đơn này thường được sử dụng trong xuất khẩu ủy thác. Tức là vận đơn được dùng khi đơn vị sản xuất không trực tiếp xuất khẩu mà làm việc này thông qua đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu. Nếu L/C có quy định chấp nhận vận đơn bên thứ ba thì vận đơn và các chứng từ gửi hàng khác được phép ghi tên người giao hàng (người gửi hàng) không phải là người thụ hưởng L/C.
Vận đơn có thể thay đổi (Switch B/L)
Là loại cho phép thay đổi một số chi tiết trên đó theo thỏa thuận giữa các bên có liên quan. Như chi tiết: ngày ký vận đơn, người gửi hàng (người giao hàng), cảng bốc, cảng dỡ hàng, số lượng hàng…
Thường gặp S/B trong trường hợp vì lý do nào đó mà không hoàn thành việc bốc hàng kịp thời theo yêu cầu của thư tín dụng, chủ tàu/người vận chuyển và người thuê có thể thỏa thuận ký lùi (ante-date) ngày ghi trên vận đơn. Cũng có thể dùng kỹ thuật S/B để giải quyết việc xuất trình chứng từ cho ngân hàng kịp thời trong phương thức thanh toán bằng L/C. Chủ hàng/người thuê vận chuyển có thể yêu cầu chủ tàu/người vận chuyển chỉ thị cho đại lý của họ ở một nơi nào đó cấp một bộ vận đơn có nội dung hoàn toàn giống bộ vận đơn đường biển đã ký phát tại cảng bốc hàng. Điểm khác duy nhất so với bộ vận đơn đó là tên người ký vận đơn.
Ví dụ: Thương nhân Singapore mua hàng của Việt Nam bán lại cho Nhật Bản. Do chưa nhận được bộ vận đơn đường biển cấp tại Việt Nam mà ngày xuất trình chứng từ cho ngân hàng tại Singapore sắp hết (thương nhân Singapore và Việt Nam đã thỏa thuận trong L/C là ghi tên người giao hàng trên vận đơn là thương nhân Singapore), do chứng từ có thể đến muộn, thương nhân Singapore yêu cầu chủ tàu/người vận chuyển thu xếp S/B tại Singapore để có thể nhận được vận đơn kịp thời.
Giấy gửi hàng đường biển (Sea Waybill, Seaway Bill)
Theo Điều 90, Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005, “Người giao hàng có thể thỏa thuận với người vận chuyển việc thay vận đơn bằng giấy gửi hàng đường biển hoặc chứng từ vận chuyển khác và thỏa thuận về nội dung, giá trị của các chứng từ này theo tập quán hàng hải quốc tế”.
Có thể nói, Giấy gửi hàng đường biển là một “vận đơn” nhưng không có chức năng chứng từ sở hữu hàng hóa. Vì vậy một SWB gốc cũng không chuyển nhượng được. Cần lưu ý về giá trị pháp lý của “Giấy gửi hàng đường biển” để sử dụng phù hợp. Bởi để nhận hàng, không cần nộp Seaway Bill mà chỉ cần xuất trình chứng từ chứng minh người nhận đúng là người có tên trên SWB. Giấy tờ này có thể chỉ là Giấy giới thiệu (của công ty) và Giấy CCCD của người đi nhận hàng thay công ty.
Chính vì điều này mà khi sử dụng L/C, rất ít ngân hàng chấp nhận chứng từ vận tải là một Giấy gửi hàng đường biển. SWB thường ghi đích danh tên người nhận hàng là Importers. Importers không cần ngân hàng ủy quyền hoặc thậm chí không cần bộ chứng từ ngân hàng đang giữ, cũng lấy hàng được. Ngân hàng không có cách nào khống chế, không cho Importers lấy hàng nếu người này lúc trước chưa ký quỹ đủ 100% để mở L/C. Tình huống này, rất rủi ro cho ngân hàng, nên họ không chấp nhận dùng Sea Waybill.
Tổng kết
Mỗi loại vận đơn đều có đặc trưng khác nhau. Nếu bạn nắm được tất cả các đặc trưng trên, chắc chắn bạn sẽ kiểm soát hoạt động Logistics của mình dễ dàng hơn. Thỏa thuận giữa các công ty nước ngoài sẽ có nhiều văn hóa kinh doanh đặc biệt. Vì vậy, bạn cần chú ý về vấn đề thanh toán và vận chuyển hàng hóa. Bill of Lading sẽ giúp bạn kiểm soát tất cả những điều đó. Và nhằm giúp bạn ghi nhớ đặc điểm của các loại Vận đơn, ,mời bạn xem đoạn video ngắn dưới đây:
Explained about Type of B/L. What is the difference between Original B/L, Surrendered B/L, Waybill?
Discussion about this post