Nội dung bài viết
I/ Khái niệm kinh tế tuần hoàn:
Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Sự tuần hoàn thể hiện trong tái sử dụng, thông qua chia sẻ, sửa chữa, tân trang, tái chế, tái sản xuất… tạo lập các vòng lặp khép kín, nhằm giảm tối thiểu nguyên liệu đầu vào, lượng phế thải, khí thải và độ ô nhiễm.
Đây là một chiến lược phát triển bền vững đang được đề xuất để giải quyết các vấn đề cấp bách của suy thoái môi trường và khan hiếm tài nguyên, trong đó tài nguyên đầu vào, chất thải, khí thải và năng lượng được tối thiểu hóa ngay từ trong quy trình sản xuất và tiêu dùng dựa trên động lực kinh tế, hướng đến một mô hình kinh tế không phát thải.
Hình 1: Mô hình kinh tế tuần hoàn
II/ Thực trạng:
Hiện nay, vòng đời của sản phẩm ngày càng trở nên ngắn hơn do sự phát triển của khoa học công nghệ và tốc độ phân phối tăng nhanh. Mặt khác, định hướng của nền kinh tế toàn cầu hiện nay là phát triển bền vững, xanh hóa môi trường. Do đó, các doanh nghiệp phải tìm những hướng đi mới trong kinh doanh và vận hành.
Ví dụ về ngành thời trang nhanh, với tốc độ sản xuất, thiết kế và tiêu dùng nhanh, dẫn đến việc thải các sản phẩm cũng trở nên nhanh hơn. Từ đó tạo ra một vấn đề lớn về môi trường.
Hình 2: Thời trang nhanh tạo ra nguồn rác thải lớn.
III/ Kinh tế tuần hoàn với chuỗi cung ứng:
Có nhiều lo ngại rằng kinh tế tuần hoàn có thể thu hẹp thị trường của Logistics, khi tuổi thọ sản phẩm được kéo dài hơn, tiêu thụ sản phẩm cũng mang tính bền vững thay vì tiêu dùng nhanh, thải bỏ nhanh. Tuy nhiên, đây lại là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa cơ hội mới cho ngành Logistics.
a) Logistics tham gia vào chuỗi cung ứng:
Kinh tế tuần hoàn sẽ thay thế kinh tế truyền thống, tạo nên một mạng lưới kết nối các luồng lưu thông hàng hóa. Yêu cầu đặt ra cho chuỗi cung ứng mới là một chu trình khép kín từ nhà cung cấp đến người tiêu dùng.
Một sản phẩm sau khi sử dụng xong sẽ được đem bán ở thị trường chợ cũ, hoặc được tân trang lại, hoặc sẽ được tháo ra các phần nhỏ sau đó sẽ trở lại vị trí ban đầu trong chuỗi cung ứng. Từ đó, nhu cầu về các giải pháp vận tải nội địa hóa và theo chu kỳ cụ thể tăng lên, và các dịch vụ giá trị gia tăng mới cũng sẽ phát sinh.
Logistics sẽ trở thành trung tâm của các mô hình kinh doanh mới với những nhiệm vụ mới. Các công ty Logistics có thể phát triển từ các nhà cung cấp dịch vụ trở thành các mắt xích gia tăng giá trị tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng.
Hình 3: Mô hình kinh tế tuyến tính và kinh tế tuần hoàn.
b) Logistics ở vị trí trung tâm của nền kinh tế tuần hoàn
Cả chủ hàng và nhà cung cấp dịch vụ đều sẽ phải chuyển hóa trong nền kinh tế tuần hoàn. Các công ty sản xuất cần thiết kế lại sản phẩm để đảm bảo khả năng quay vòng. Về phía các nhà cung cấp dịch vụ Logistics, họ cần phải tạo ra cơ sở hạ tầng cần thiết và cung cấp dịch vụ trên phạm vi rộng khắp.
Với vai trò là động lực của kinh tế tuần hoàn, các lĩnh vực kinh doanh trong ngành Logistics đều đang thay đổi hoặc mở rộng, đồng thời các lĩnh vực tiềm năng mới cũng ra đời. Từ một sản phẩm có thể trở thành nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó mỗi sản phẩm lại cần một giải pháp Logistics theo điều kiện riêng.
Các nhà cung cấp dịch vụ phải tạo ra các giải pháp Logistics mang tính bền vững, không có tác động tiêu cực đến lượng khí thải carbon đồng thời đạt được sự chấp nhận của xã hội. Nền kinh tế tuần hoàn cũng có mối liên kết trực tiếp với Logistics ngược hay Logistics thu hồi, tập trung vào quá trình đưa hàng hóa từ người tiêu dùng trở lại điểm xuất phát để thay thế, tân trang, tái chế, phân phối lại hoặc xử lý sạch.
Hình 4: Forward Logistics và Reverse Logistics.
c) Thách thức từ xu hướng kinh tế tuần hoàn:
Chúng ta phải thừa nhận rằng không thể tồn tại một nền kinh tế 100% tuần hoàn, vì sẽ luôn có một số tổn thất cho một hệ thống. Hơn nữa, không phải mọi hệ thống đều có lợi khi chuyển đổi từ tuyến tính sang hình tròn. Do đó, nền kinh tế tuần hoàn và các lợi ích của nó nên được đánh giá trên cơ sở từng cá nhân để đảm bảo rằng lợi ích lớn hơn chi phí.
Trong nền kinh tế tuần hoàn, các công ty sản xuất không phải là những bên duy nhất phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là thiết kế lại sản phẩm để chúng có tuổi thọ lâu hơn và thuận lợi cho việc quay vòng hơn. Các công ty Logistics cũng sẽ phải có chính sách để giải quyết vấn đề vòng đời sản phẩm cũng như số lượng các bên tham gia.
Ở vị trí trung tâm của nền kinh tế tuần hoàn, ngành Logistics cần đổi mới nền tảng công nghệ để trở thành một trung tâm dữ liệu cho các bên. Cùng với cách mạng công nghiệp 4.0, thông tin sẽ thường xuyên được trao đổi qua lại giữa các chủ thể tham gia trong thời gian thực. Logistics phải đảm bảo việc thu thập và phân phối dữ liệu sao cho thông tin được truyền đi thông suốt, minh bạch và hợp pháp.
Hình 5: Hệ thống thu hồi chủ động tạo ra các vòng lặp, giúp hạn chế sử dụng tài nguyên mới và hạn chế tác động môi trường.
Về hệ thống thu hồi chủ động:
Nguyên liệu tham gia vào quá trình sản xuất được chia thành 2 loại vô cơ và hữu cơ. Trong đó, các nguyên liệu vô cơ được xác định theo chu kỳ kỹ thuật còn các nguyên liệu hữu cơ được xác định theo chu kỳ sinh học. Theo các chu kỳ đó, người ta xây dựng các vòng lặp để tái chế, tái sử dụng chúng theo tiêu chuẩn hiệu quả (chi phí bỏ ra phải nhỏ hơn giá trị mang lại). Bằng cách này, doanh nghiệp sẽ khai thác được mọi tài nguyên tham gia quá trình sản xuất và giảm thiểu được việc thải chất thải ra môi trường.
Qua bài viết trên, nhà Lốc hi vọng sẽ cung cấp được nhiều kiến thức hơn, giúp bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về xu hướng này nhé!
Discussion about this post